Tour Du Lịch Châu Đốc giá rẻ 999.000đ

Thảo luận trong 'Du lịch' bắt đầu bởi phucbao01, 6/8/14.

  1. phucbao01

    phucbao01 New Member

    Từ truyền thuyết về tượng Bà Chúa xứ đến phục hiện Lễ rước hằng năm.

    Hằng năm vào tháng tư ÂL, mọi người náo nức về trẩy hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam Châu Đốc. Trong lễ truyền thống, đêm lễ tắm Bà là buổi lễ trung tâm vào lúc 24 giờ ngày 23 tháng tư ÂL thu hút hàng ngàn người đến dự. Mọi người cho rằng được chiêm ngưỡng Bà sau nghi lễ tẩy trần là một điều vinh dự. Do vậy, ai cũng đến sân lễ sớm chiếm một chỗ để khi được phép vào chánh điện sau buổi lễ là xin được cái lộc đầu tiên rất hoan hỉ, mặc dù ngồi dưới màn đêm, ngột ngạt với hơi người chật như nêm.

    Có người lần đầu tiên đến viếng Miếu Bà, họ choáng ngợp trước quang cảnh mọi người chen chúc nhau cúng bái, nhang khói mù mịt, phẩm vật cúng bày hàng hàng lớp lớp, từ con heo quay, mâm hoa quả, áo Bà, mũ Bà, và nhiều phẩm vật khác,… ngước nhìn tượng Bà oai nghiêm mà phúc hậu, thấy lòng cũng lâng lâng theo lời khấn về niềm tin được phù trợ trong cuộc sống, làm ăn, tình duyên, …

    Có người chiêm nghiệm về tượng Bà một cách thành kính. Bà ở đây mà lòng bao la với mọi người, ban phát những điều tốt cho mọi người. Có người muốn rõ căn cơ: “Bà xuất hiện thời gian nào. Vật liệu gì?. Tại sao mặt Bà hướng ra cánh đồng mà sau lưng lại có con đường chính? Tại sao mọi người cúng viếng với phẩm vật nhiều như thế?...”

    Lần giở những trang tư liệu, sách viết về Miếu Bà như: Mùa hội vía của Mai Văn Tạo, Kỳ tích Núi Sam của Liêm Châu; Mùa Hội Vía, 48 giờ vòng quanh Núi Sam của Trịnh Bửu Hoài; Những ngày lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam của Tường Vân; Lịch sử Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam của Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam; Lễ Hội Bà Chúa xứ Núi sam và du lịch vùng Châu Đốc - An Giang của Phạm Côn Sơn và nhiều bài viết của các nhà khảo cứu, …

    Chúng ta thấy có nhiều truyền thuyết về tượng Bà Chúa xứ Núi Sam.

    “Huyền sử về vương quốc Phù Nam kỳ bí kể lại nguồn gốc hình thành một hoàng tử Ấn Độ bỏ vương quốc có sẵn, dẫn một đoàn tùy tùng cả trăm người, lên thuyền lênh đênh trên đại dương, di chuyển về hướng mặt trời lên để tìm đất mới, lập một nước riêng cho mình. Vùng biển phía Đông khá rộng, nhưng nước cạn ở nhiều nơi. Tới một khu vực có nhiều hòn đảo trồi lên mặt nước (vùng Kiên Giang, Hà Tiên, Thất Sơn, Châu Đốc ngày nay) hoàng tử này thấy phía trong hiện ra một dải đất có cây cối mọc, đoán chừng có người ở nên đi dần vào, tìm đến một hòn đảo tương đối thấp ở trong sâu. Hoàng tử cùng đoàn tùy tùng lên đảo thám sát nhận thấy đây là chỗ tốt, lấy làm cột mốc, đánh dấu thành quả khám phá chinh phục của mình và cũng làm ranh giới về chủ quyền của người khám phá ra đầu tiên cho lãnh thổ tương lai.

    Chứng vật đánh dấu có tính cách thiêng liêng là một pho tượng đá mà hoàng tử mang theo từ vương quốc quê nhà. Ngoài pho tượng còn có những hình tượng khác biểu trưng cho sự sinh tồn và nẩy nở phát triển, theo ước mong của người xưa đi tìm vùng đất mới để mở rộng bờ cõi.

    Thế nhưng, ông hoàng tử này không ngờ rằng phần đất đó đã thuộc vào lãnh thổ của một nữ vương tên là Lưu Yi.

    Về sau, ông hoàng tử Ấn Độ kết duyên với nữ vương này lập nên vương quốc Phù Nam, đặt thủ đô tại Lò Gò (cách Châu Đốc ngày nay khoảng 30 km về phía Tây Nam)” - (Phạm Côn Sơn - sách đã dẫn).

    Truyền thuyết dân gian kể rằng từ xa xưa pho tượng đã ở trên núi, về sau, người ta mới đem xuống. Như vậy, ai đã đem pho tượng này xuống đặt ở vị trí hiện nay?

    Có nhiều truyền thuyết về pho tượng Bà Chúa Xứ:

    - Khi người Việt đến sống ở vùng này, phát hiện tượng Bà ở đỉnh Núi, mới bàn nhau khiêng xuống lập Miếu thờ, Bà chúa Xứ hiển linh vào một người tu hành bảo phải có 40 trinh nữ đến khiêng mới chịu đi. Dân làm theo và khiêng đến nơi thờ hiện nay thì Bà nặng trịch và chọn nơi này an ngự.

    - Cũng với việc báo mộng vào một cô gái, Bà bảo phải có 9 cô gái đồng trinh khiêng kiệu Bà mới di tượng sau khi nhiều trai tráng trong làng ra sức khiêng nhưng tượng không lay chuyển; các cô gái này khiêng tượng đến triền núi thì tượng nặng trì xuống, các vị bô lão khấn vái Bà, Bà đồng ý ngự chỗ miếu thờ hiện nay.

    - Một truyền thuyết nói về công lao Ông Thoại Ngọc Hầu, khi Ông đi dẹp giặc ngoại xâm biên giới, Bà Châu Thị Tế khấn vái Bà Chúa xứ phù hộ Ông dẹp yên giặc, gìn giữ xóm làng bình yên. Để tạ ơn những điều linh nghiệm, Ông Thọai Ngọc Hầu cho thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về xây miếu Bà khang trang tại chân núi và chọn ngày 24 tháng tư khánh thành miếu.

    - Một truyền thuyết khác cho rằng tháng tư là tháng gieo hạt giống làm mùa. Dân làng tổ chức hội làng cầu Bà phò trợ trúng mùa trong năm mới cùng với những cuộc vui chơi thành lễ hội và hằng năm tổ chức ngày một quy mô hơn, khách các nơi về tham dự nhiều hơn.

    Những truyền thuyết trên đến nay chưa được kiểm chứng đầy đủ dù có nhiều giả thuyết về sự xuất hiện tượng Bà trên đỉnh núi hay ở ngay triền núi, hoặc có trên đỉnh núi thì ai mang lên, ai khiêng xuống?... Khi hỏi những người dân làng Vĩnh Tế và những người đi tham quan, trong tâm thức của họ đa số cho rằng việc 9 cô gái đồng trinh thỉnh tượng xuống núi là chuyện kể của người xưa mà họ chấp nhận nhất.



    Khi Lễ hội Vía Bà thành một ngày hội đông đảo, thu hút khách tín ngưỡng, khách du lịch khắp các nơi về tham gia lễ hội đã củng cố thêm một niềm tin “cầu tất ứng” cho mọi người thì truyền thuyết rước tượng Bà phù hợp với việc thực hiện quảng bá du lịch, một lễ rước thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu trong chuỗi họat động lễ hội Vía Bà.

    Cùng với việc sân khấu hóa lễ hội trong đêm Khai mạc lễ hội năm 2001, năm Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia với quy mô, hình thức, thời gian, số lượng khách tham dự, Ban tổ chức lễ hội Núi Sam năm 2002 đề xuất tổ chức phục hiện lễ rước tượng Bà với kịch bản theo truyền thuyết dân gian như đã nêu và được tiến hành thực hiện vào ngày 22 tháng tư Âl.

    Lễ rước được tổ chức vào 15 giờ tại Nhà bia ghi danh liệt sĩ thị xã Châu Đốc với sự tham gia của Ban tổ chức lễ hội, Ban Quản trị lăng miếu Núi Sam, dân làng Vĩnh Tế, các dân tộc Kinh, Hoa, Khơme, Chăm, nghệ sĩ các đoàn hát, các đoàn lân sư rồng, khách tham quan, … tổng số người tham gia lễ rước lên đến 2 ngàn - 5 ngàn người. Nghi thức tổ chức cũng có tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, già làng trình việc rước tượng Bà với nhang đèn, hoa quả, … sau phần tái hiện việc phát hiện tượng trên đỉnh núi, dân làng cùng trai tráng lên núi thỉnh tượng Bà xuống núi để thờ cúng mong Bà phò trợ “mưa thuận gió hòa” dân lành bình yên sản xuất, rồi cảnh Bà thông qua một người con gái lên đồng bảo có 9 cô gái đồng trinh đến khiêng Bà mới di tượng. Sau khi tìm được 9 cô gái đồng trinh, già làng tuyên bố đoàn người khởi kiệu rước Bà (kiệu đóng bằng vật liệu nhẹ). Đoàn rước khởi hành đi lên núi xếp hàng dài rồng rắn, có lúc nghỉ chân tại vườn Tao Ngộ, nửa chừng núi và đến đỉnh khoảng 16 giờ. Ai cũng mệt vì leo núi, cả các bô lão cũng đuối sức nhưng mọi người đều tỏ ra hồ hởi (đựợc tham gia đoàn rước là một vinh dự) khi đến đỉnh (từ chân núi lên đỉnh khoảng 2km) mọi người khoan khoái, vui mừng chờ rước Bà xuống núi.

    Đến bàn đá nơi Bà ngự trước kia, Ban nghi thức lễ bày lễ vật, niệm hương và trình việc rước Bà xuống núi để thờ cúng. (Đoàn rước chuẩn bị một cái áo, mũ Bà thay vì tượng Bà). Đoàn rước tái hiện việc các trai tráng khiêng tượng không xê dịch, rồi có cô gái ứng mộng báo Bà yêu cầu 9 cô gái đồng trinh đến khiêng. Khi kiệu được các cô gái khiêng bổng lên, mọi người vỗ tay hoan hô vang dậy như là chuyện thật của truyền thuyết. Mọi người hoan hỉ rước Bà xuống núi (BTC chuẩn bị 99 cô gái tiếp khiêng kiệu ở 10 chặng đường vì 9 cô không khiêng nổi suốt 2 km) từng chặng có các đoàn lân sư rồng nghinh đón, tiếng trống vang dội cả Núi Sam. Đến Nhà Bia, đoàn dừng lại nghỉ 30 phút rồi tiếp tục rước về Miếu hiện nay. Nhân dân và khách tham quan xếp hai hàng dài cả cây số chờ xem rước kiệu Bà. Tại Miếu Bà dựng sẵn sân khấu để đón kiệu và làm nghi thức nhập Miếu, chương trình nhập miếu trang trọng với các đoàn múa kinh, Hoa, Khơme, Chăm dâng hoa lên Bà. Đoàn rước đưa Bà nhập miếu. Kết thúc lễ rước khaỏng 19 giờ.

    Từ năm 2002, các kỳ lễ hội Vía Bà hằng năm, lễ rước tượng Bà chính thức đưa vào các phần lễ và thực hiện một cách trang trọng, chu đáo.

    Từ truyền thuyết nay phục hiện lễ rước đã trở thành một hoạt động chính của Lễ hội được duy trì và nâng chất. Trước hết vì nó phù hợp với tình cảm, nguyện vọng của nhân dân Vĩnh Tế, Núi Sam và cả khách tham quan du lịch khắp nơi khi về đây chiêm ngưỡng. Hai là, việc thực hiện lễ rước trở thành sản phẩm du lịch góp phần quảng bá du lịch Núi Sam vốn có nhiều di tích được xếp hạng (4 di tích cấp quốc gia, 01 di tích cấp tỉnh), có nhiều thắng cảnh, công trình văn hóa. Ba là, thông qua việc tổ chức các nghi lễ theo truyền thống, nay thêm phong phú hơn với loại hình lễ rước. Bốn là, khi lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam an ninh trật tự bảo đảm, vệ sinh môi trường tốt, khách đến Châu Đốc càng ngày càng nhiều (năm 2001 khoảng 1,5 triệu đến năm 2010 là trên 3 triệu lượt người) góp phần tăng trưởng về thương mại, đặc sản tiêu thụ cao, dịch vụ ăn nghỉ, đi lại phát triển. Đời sống nhân dân Châu Đốc ngày một nâng lên và cả về mặt tinh thần cũng được tốt hơn. Thông qua việc đóng góp trùng tu di tích, Núi Sam có nhiều công trình phục vu nhân sinh, phục vụ du khách như đường, trường, trạm, điện, nước, nhà tình thương, xử lý nước thải, trồng cây xanh, … góp phần đưa Châu Đốc trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp và lễ hội quanh năm./.
    Nguồn phát hành : Hoàng Hào (Hội VHNT TXCĐ)
    Bạn có thể xem thêm tour da nang gia rẻ

Chia sẻ trang này