Câu chuyện của du học sinh Đài Loan và những chuyện bên lề du học

Thảo luận trong 'Đào tạo' bắt đầu bởi tranphogn, 24/12/18.

  1. tranphogn

    tranphogn New Member

    Những "được" - "mất" trong quá trình đi du học. Nếu ai đã, đang là du học sinh, chắc hẳn đều chung một dòng cảm xúc như vậy...


    [​IMG]
    Du học có những "được" và "mất" gì?

    "Mỗi lần lướt web hay facebook, tôi lại thấy biết bao những câu chuyện, những hình ảnh, video hay những lời kể lể tâm sự của các bạn du học sinh về những khó khăn, nhọc nhằn, những thành công, sự thất bại, hay những thú vui nơi đất khách quê người. Tôi – một du học sinh cũng thấu hiểu phần nào những nhọc nhằn, niềm vui của những người bạn xa xứ bởi chính tôi cũng từng trải qua hầu hết những cung bậc cảm xúc ấy, cái cảm giác tủi thân khi lần đầu rời xa gia đình, cái cảm giác lạc đường, cảm giác của những nỗi nhớ, rồi cả cảm giác lần đầu nhận được những đồng lương do chính mình làm ra ở cái tuổi 18...
    Tôi vẫn nhớ như in ngày tôi cất cánh đi du học, kỳ tôi nhập học là vào tháng 9 – kỳ học mùa thu. Nếu ở nhà háo hức bao nhiêu thì ngay từ khi bước xuống sân bay tôi càng cảm thấy bỡ ngỡ, xa lạ bấy nhiêu. Tôi như lạc vào một thế giới khác hoàn toàn, xung quanh tôi không còn những dòng chữ quen thuộc nữa, tất cả mọi thứ giờ đều là những nét gạch ngang, dọc, những chữ nhìn nửa quen, nửa lạ, dù cố gắng nhưng với trình độ của tôi lúc đó chẳng thế nào tự xem được bản đồ hay định vị được đường đi; và tôi biết rằng mình thực sự đã xa quê hương, xa gia đình, xa những điều quen thuộc. Mọi thứ…giờ đã khác.
    Những đêm đầu xa nhà, tôi gần như không ngủ được dù rất mệt, vì lạ nhà, lạ bạn bè, lạ tất cả mọi thứ. Cả đêm nằm thao thức chỉ muốn cầm chiếc điện thoại lên để gọi ngay về nhà nhưng điện thoại đâu có dùng được, tôi cũng chẳng dám gọi vì sợ bố mẹ, sợ cả nhà lại lo lắng cho mình. Sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ cũng khiến tôi phải mất gần 3 tháng mới làm quen và dần hiểu được người ở đây nói gì… Lắm hôm, tỉnh dậy trong đêm, nước mắt của tôi tự tuôn rơi theo dòng suy nghĩ, tôi chỉ muốn thốt lên rằng: Bố mẹ à! Hay là con quay về nhé.
    Ngày ở nhà 1,2 giờ sáng mới đi ngủ là lẽ thường, vài bộ phim thâu đêm hay vài ván liên minh chỉ làm bạn thấy quên lãng thời gian như một điều vô nghĩa. Sang đây du học mới thấy 2,3 giờ sáng mới được ngủ giống như một cơn ác mộng trong lòng. Dù vậy, ngày nào bạn cũng phải đối mặt với cơn ác mộng ấy bởi mỗi buổi tối đi làm thêm bạn lại cố gắng cố thêm 1 vài giờ để được trả thêm lương cuối tháng. Đi làm về là lại vội vàng ăn uống, tắm gội, đôi khi tranh thủ từng phút một để đảo qua vài ba dòng cho môn học sáng hôm sau là đã 2,3 giờ sáng. Dù sao thì vẫn phải cố gắng đi ngủ thật sớm để còn có sức tiếp tục cho ngày mai. Lắm hôm tủi thân vì mệt mỏi, vì áp lực học hành, thi cử, vì bị chủ ở chỗ làm thêm quở trách, thậm chí ban đầu nghe người ta mắng mỏ mình sai nhưng mình còn chẳng hiểu được họ nói gì. Rồi cứ thế, cuối ngày lại lẳng lặng về, nằm trong chăn, bao nhiêu thứ cảm xúc cứ từ đâu ùa về, nghĩ về bố mẹ, về người mình yêu thương, về quê nhà…
    Công việc đầu tiên của tôi làm là tại một hàng ăn của người Đài với mức lương ~ 150k/h. À tôi chọn hệ du học vừa học vừa làm, phần vì muốn giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và cũng muốn tự mình quyết định cuộc đời mình. Nhờ sự nhanh nhẹn và có một chút vốn tiếng từ hồi ở Việt Nam tôi tích lũy được, nên chỉ sau cuộc phỏng vấn 15’, tôi nhanh chóng được nhận vào làm thêm. Ở đây, ngoài các công việc bàn, mời khách, tôi còn nhận thêm việc rửa bát để làm thêm giờ. Nếu ở nhà bạn có cái cớ lững thững chỉ để rửa một mâm bát thì khi đi làm thêm, bạn sẽ “tự nguyện” rửa tới hàng nghìn bát đĩa mỗi ngày. Những ngày đầu còn lụng vụng, bất cẩn, tôi vẫn nhớ buổi hôm tôi làm đổ nguyên 1 chồng bát, vừa phải đền, lại tiếc ngày công làm việc của mình đã không cánh mà bay, rồi còn thấy tủi thân khi bị ông chủ quở trách, ra về chẳng hiểu sao tôi bật khóc như một đứa trẻ ngay giữa đường. Lúc ấy mới thấy thấm thía và trân trọng hơn những ngày tháng sung túc ở nhà, có tủi thân thì cũng chỉ trách móc chính mình.
    Ở Việt Nam, bạn đã bao giờ ngủ quên trên xe bus? Chắc chắn những ai đã trải qua điều ấy đều hiểu cảm giác của việc lỡ một chuyến xe là như thế nào. Tôi đã chót ngủ quên trên chuyến tàu cuối cùng trong khi trong túi chỉ còn vài tệ, để rồi được “tận hưởng” những giờ phút ngủ vùi ngoài ga cả một đêm…Đâu phải chỉ thế, những ngày trái gió trở trời, ốm đau cũng chỉ biết nằm co vào một góc giường, lúc yếu đuối này nhớ nhất là bố mẹ, rồi cứ thế tự mình nuốt hết cái đắng nơi cổ họng, nuốt luôn cả những giọt nước mắt, những khó nhọc của cuộc sống vào trong.
    Còn nữa, nếu ai đó nghĩ rằng, chia tay một người mà mình vẫn thường gọi bằng hai chữ yêu thương đồng nghĩa với việc đằng sau đó là khoảng thời gian đau khổ, rồi thời gian học cách tập quên một người, tập cho trái tim chai sạn trở lại,… Thì với tôi, chia tay là kết thúc một cuộc tình trong sự lặng im, tôi cũng chẳng được phép cho mình thời gian để chìm đắm trong những nỗi buồn, quãng thời gian yêu xa khiến giữa chúng tôi chẳng dám có những dỗi hờn, chẳng dám ghen tuông,…và rồi cứ như vậy tôi đành đón nhận lời chia tay từ người tôi đã từng rất yêu thương như một “món quà”. Bởi sau tất cả, suốt quãng đường thanh xuân ấy, gần 6 năm đi du học, mấy ai dám chắc chắn cho câu hỏi là sự chờ đợi? mấy ai dám đủ dũng cảm để 1 lần hẹn ước? cuộc tình bao nhiêu năm gắn bó cuối cùng cũng phải dừng lại vì chẳng thể cho nhau thêm niềm tin từ đối phương…
    Còn rất nhiều những thử thách khác nữa mà bạn dễ dàng gặp phải trong quá trình đi du học, nhưng dù có những khó khăn là vậy, cũng không thể phủ nhận được những trải nghiệm và một số điều thú vị mà có lẽ chỉ có dân du học mới có được…
    Sau những khoảng thời gian học tập, thi cử, làm việc mệt mỏi, thỉnh thoảng những ngày nghỉ tôi vẫn thường tự thưởng cho mình một chuyến đi thăm thú những địa điểm nổi tiếng tại nơi tôi đang sống,… Ở Đài có khá nhiều nơi đẹp, nhưng chắc ấn tượng nhất là cái sương khói ở hồ Nhật Nguyệt là tôi mê nhất. Tôi thường tận dụng các buổi đi thăm thú vào các ngày thường; còn ngày lễ, Tết đông người đi chơi thì mình tranh thủ đi làm thêm để được tăng lương gấp đôi. Cũng nhiều bạn ở nhà thi thoảng vẫn nhắn tin hỏi han, nghĩ chắc dân du học như chúng tôi giàu lắm, nhưng thực tế thì tiền làm thêm cũng chỉ đủ trang trải học phí và sinh hoạt phí, có cố gắng tiết kiệm lâu lâu tích góp được khoản dư nhỏ cũng mong muốn gửi về cho gia đình lắm, nhưng cũng chẳng đáng là bao.
    Tôi không hợp với đồ ăn ở Đài Loan lắm vì đúng như nhiều người vẫn nói, họ ăn khá nhạt và cực nhiều dầu mỡ. Đi ăn tôi thường dặn những người chủ ở một vài quán xá quen thuộc tăng thêm gia vị, còn đa phần tôi nấu ăn ở phòng nhiều hơn, vừa hợp vị lại tiết kiệm được một chút. Thú thực rằng, lâu lâu thèm một bữa cơm với rau muống, canh dưa ở nhà kinh khủng. Cũng do ở Đài khá lâu rồi nên tôi đã quen với nhiều bạn bè ở đây hơn, cả các bạn sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nữa. Thỉnh thoảng chúng tôi tụ tập nhau lại cứ khoảng 10, 15 người rồi cùng trổ tài nấu các món ăn nổi tiếng của đất nước mình, tôi nấu không giỏi nên hầu hết mỗi lần như vậy tôi đều làm các món ăn nhanh như bánh mỳ kẹp, phở nước và hay món phở cuốn, nem cuốn huyền thoại. Tôi khá ấn tượng với các món ăn của các bạn Hàn hay Nhật, cũng khá nhiều bạn thích thú với các món ăn do tự tôi chuẩn bị và ngỏ ý rất muốn một ngày nào đó được đi cùng tôi trở về Việt Nam du lịch một chuyến.
    À còn điều này nữa, nhiều người vẫn có những định kiến với “dân” du học cho rằng chúng mình học thì ít mà du thì nhiều, hay đại loại là những câu chuyện về việc du học sinh bỏ trốn, phạm tội, bị trục xuất về nước… Không biết các bạn du học sinh ở các nước khác thực tế ra sao, nhưng học tại Đài, tôi lại thấy đất nước này thực sự đáng sống với chi phí dễ chịu, con người khá thân thiện, trường lớp, phương tiện học tập hiện đại, năng động,… Chỉ có một chút điểm trừ là việc học tập ở đây cũng khá áp lực, những giờ nghiên cứu dài và những giờ thi căng thẳng cũng khiến bạn phải cày cuốc nhiều. Tuy nhiên thì cũng là “vàng thử lửa” thôi, đi học mà còn sợ khó không dám bước qua thì sau này sẽ chiến đấu với những điều khác ở cuộc sống ngoài kia ra sao?.
    Có lẽ sau tất cả những trải nghiệm trong quãng thời gian đã trôi qua, tôi vẫn luôn thầm cám ơn cuộc đời đã giúp tôi trưởng thành hơn mỗi ngày. Những vấp ngã, khó khăn ngày nào càng khiến tôi thêm nâng niu những giá trị của cuộc sống, của gia đình, của đồng tiền; thêm trân trọng những người đã đi qua cuộc đời mình và người tôi vẫn đang yêu thương…"

    (Nguồn: Du học ICC Hà Nội).

Chia sẻ trang này