Phòng bệnh cho cá nuôi lồng bè

Thảo luận trong 'Thiết bị số khác' bắt đầu bởi nguyenhduong511, 26/9/18.

  1. Hiện nay, nuôi cá lồng bè đang được chú trọng và mở rộng quy mô do mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, do việc nuôi với mật độ cao nên rất dễ phát sinh dịch bệnh mang lại rủi ro cao cho người nuôi.



    Để hạn chế dịch bệnh xảy ra cho cá nuôi lồng, đảm bảo năng suất hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại, người nuôi cá lồng cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

    1. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi lồng

    Bệnh ở cá cũng như bệnh ở các động vật thuỷ sản khác xảy ra là do sự tương tác giữa vật chủ có tính mẫn cảm với bệnh, trong điều kiện môi trường không thuận lợi, cùng với sinh vật gây bệnh có sẵn trong môi trường cũng như cơ thể cá. Do vậy, động vật thuỷ sản chỉ bị bệnh khi 3 yếu tố sau đồng thời xảy ra:


    [​IMG]


    - Điều kiện môi trường xấu, không có lợi cho sự tồn tại và phát triển của động vật thuỷ sản.

    - Trong môi trường tồn tại đủ nhiều và đủ mạnh các tác nhân gây bệnh.

    - Bản thân sức khoẻ của động vật thuỷ sản không tốt, không có khả năng chống đỡ với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

    - Chọn địa điểm đặt lồng: Vị trí đặt lồng tốt nhất là những nơi có nguồn nước trong sạch, nước lưu thông thường xuyên, không bị ảnh hưởng bởi các nguồn nước thải, tàu thuyền qua lại. Bố trí vùng nuôi cho từng loại cá phù hợp tránh việc nguồn thức ăn của loại này lại gây ô nhiễm cho loại khác.

    - Hạn chế mầm bệnh xuất hiện trong môi trường nuôi bằng cách:

    + Thường xuyên treo túi vôi, túi thuốc tại vị trí cho cá ăn, ở đầu lồng nuôi nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường nước với lượng cụ thể: Vôi bột: 2 – 4kg/10m3 nước; Viên sủi Vicato: 50gam/10m3 nước; Bột đồng sunfat (CuSO4): 50gam/10m3 nước. Độ sâu của túi vôi hoặc túi thuốc treo bằng 1/3 -1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi, khi vôi hoặc thuốc tan hết cần tiếp tục treo túi khác.

    + Trước khi thả cá cần vệ sinh lồng sạch sẽ, phơi lồng 1 - 2 ngày; Trong quá trình nuôi, định kỳ vệ sinh lồng nuôi 1 tuần/lần để loại bỏ các sinh vật bám, giúp nước lưu thông tốt hơn. Việc vệ sinh lồng nuôi được tiến hành trước khi cho cá ăn. Sau khi cho cá ăn khoảng 30 phút, vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường.

    - Hạn chế mầm bệnh trên cơ thể cá: Chọn cá giống khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. Trước khi thả giống cần tắm nước muối với nồng độ 3% (300 gam muối hòa vào 10 lít nước) trong vòng 10 – 15 phút để loại bỏ mầm bệnh trên cơ thể cá.

    - Xác định mật độ nuôi phù hợp, tránh nuôi quá dầy dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh khi nuôi.

    - Nâng cao sức đề kháng cho cá: Cho cá ăn đúng khẩu phần, đảm bảo dinh dưỡng. Không cho cá ăn thức ăn ôi thiu, ẩm mốc. Định kỳ bổ sung Vitamin C cho cá với lượng 2 - 3g/kg thức ăn/ngày nhằm kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho cá.

    2. Một số bệnh thường gặp ở cá nuôi lồng

    2.1. Bệnh liên cầu khuẩn ở cá Rô phi, Diêu hồng

    - Nguyên nhân và triệu chứng: Tác nhân gây bệnh do vi liên cầu khuẩn Strepcoccus.sp gây nên. Bệnh thường xảy ra và gây chết nhiều cá vào mùa hè. Cá bị nhiễm bệnh có biểu hiện lồi 1 hoặc cả 2 bên mắt, bơi lờ đờ hoặc bơi quay tròn mất định hướng đâm xuống đáy lồng rồi chết. Khi mổ cá bị bệnh thường thấy hiện tượng tích khí ở ruột, ruột không chứa thức ăn do cá bỏ ăn, ruột xuất huyết, gan tụ máu, có thể còn thấy xuất huyết dưới da bụng.

    - Để trị bệnh dùng các dòng kháng sinh: Florphenicol, Doxycycline, Ekavarin trộn vào thức ăn cho cá ăn với lượng 30 - 50 mg thuốc/kg cá/ngày và điều trị từ 5 - 7 ngày. Cần lưu ý điều trị đủ liều vì thuốc điều trị rất nhanh dừng cá chết nhưng cá rất hay bị tái phát nếu điều trị không đủ liều, đủ giai đoạn.



    2.2. Bệnh gan thận mủ

    - Nguyên nhân và triệu chứng: Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella. Sp gây ra; Cá bị bệnh có biểu hiện bơi lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt, xuất huyết trên cơ thể, đặc biệt khi mổ cá quan sát trên gan, thận có lốm đốm trắng.

    - Thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh là Florphenicol, Doxycycline liều dùng 30 - 50mg/kg cá/ngày trộn vào thức ăn cho ăn liên tục 5 - 7 ngày, kết hợp với việc bổ sung thuốc bổ như Vitamin C, β- Glucan với lượng 4g/kg thức ăn/ngày nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá. Với những đàn cá ăn ít cần tạo bể giả trong các lồng nuôi bằng cách quây bạt xung quanh lồng nuôi rồi hòa kháng sinh với lượng 20g/m3 nước tiến hành ngâm cá liên tục trong 12 giờ, làm liên tục trong 3 ngày. Lưu ý khi tắm thuốc cần tạo dòng trong bể giả hoặc phun mưa, chạy máy sục khí

    Ngoài ra bà con cần theo dõi và phát hiện sớm bệnh Nấm thủy my và Trùng quả dưa trên cá để xử lý kịp thời.



    2.3. Bệnh đen đầu, đen thân, tuột vảy trên cá Trắm cỏ

    - Bệnh do vi khuẩn Aeromonas gây nên; Cá bị nhiễm bệnh có dấu hiệu bỏ ăn, da cá chuyển dần sang màu đen, tuột vảy.

    - Để xử lý bệnh cần khử trùng lồng nuôi bằng viên sủi Vicato với lượng 100g/10m3 nước, kết hợp dùng thuốc kháng sinh Sultrim hoặc Cotrimin hay Florphenicol hoặc Doxycycline trộn vào thức ăn viên với lượng 30 - 50mg thuốc/kg cá/ngày, cho cá ăn liên tục 5 - 7 ngày. Trong quá trình xử lý phát hiện thấy cá đen thân, bỏ ăn cần vớt bỏ ngay nhằm tránh lây lan sang cả đàn.

    Nguồn: http://biotechviet.vn/cac-bien-phap-phong-benh-cho-ca-nuoi-long-T34d0v3083.htm

Chia sẻ trang này