Những loại thức ăn có thể tận dụng cho trâu bò (P2)

Thảo luận trong 'Các loại khác' bắt đầu bởi phuphong221, 27/7/18.

  1. phuphong221

    phuphong221 Member

    Tiếp theo phần trước, Nhà thuốc BTV sẽ tổng hợp thêm về một số loại thức ăn thô có thể tận dụng được cho trâu bò như:

    Thức ăn ủ ướp

    Là loại thức ăn được tạo ra thông qua quá trình dự trữ các loại thức ăn thô xanh dưới hình thức ủ chua. Nhờ ủ chua, người ta có thể bảo quản thức ăn trong một thời gian dài, chủ động có thức ăn cho trâu bò, nhất là vào những thời kỳ khan hiếm cỏ tự nhiên, với việc tổn thất ít nhất các chất dinh dưỡng so với quá trình phơi khô. Ngoài ra, ủ chua còn làm tăng tỷ lệ tiêu hoá của thức ăn, do các chất khó tiêu trong thức ăn bị mềm ra hoặc chuyển sang dạng dễ tiêu. Thức ăn ủ chua có những đặc tính sau:



    – Màu đồng đều, gần tương tự như màu của cây trước khi đem ủ, (hơi nhạt hơn một chút).

    – Có mùi thơm dễ chịu (nếu có mùi khó ngửi chứng tỏ bị thối hỏng).

    – Có vị hơi chua, không đắng và không chua gắt.

    – Không có nấm mốc.

    – Gia súc thích ăn.

    Về nguyên tắc người ta có thể ủ chua các loại thức ăn xanh, kể cả thức ăn hạt và cả quả, nhưng thông thường người ta hay ủ chua thân, lá cây ngô; cỏ voi; cỏ tự nhiên và trong khi ủ thường cho thêm rỉ mật đường và muối.

    Có thể sử dụng thức ăn ủ chua để thay thế một phần cỏ tươi; lượng thay thế khoảng 15 – 20kg. Đối với bò sữa, nên cho ăn sau khi vắt sữa để tránh cho sữa có mùi cỏ ủ.



    Cỏ khô và rơm lúa



    Cỏ khô là loại thức ăn thô xanh đã được sấy khô hoặc phơi khô nhờ nắng mặt trời và được dự trữ dưới hình thức đánh đống hoặc đóng bánh. Đây là biện pháp bảo quản thức ăn dễ thực hiện, cho phép ta dự trữ với khối lượng lớn để dùng vào những thời điểm khan hiếm nhưng giá trị dinh dưỡng của cỏ khô luôn thấp hơn giá trị dinh dưỡng của cỏ ủ chua.




    [​IMG]



    Rơm lúa sau khi thu hoạch được phơi khô dự trữ là nguồn thức ăn thô cho trâu bò. Rơm lúa thường được sử dụng để tăng lượng chất khô, đảm bảo đô choán dạ dày; tăng lượng xơ trong khẩu phần, nhất là đối với những khẩu phần thiếu xơ. Rơm lúa có giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ tiêu hoá thấp. Hiện nay, người ta thường áp dụng biện pháp ủ rơm với urê để cho nó mềm hơn, trâu bò thích ăn hơn; đồng thời để tăng hàm lượng nitơ cũng như tỷ lệ tiêu hoá và giá trị dinh dưỡng của rơm.



    Thức ăn củ quả

    Thức ăn củ quả bao gồm khoai lang, khoai tây, cà rốt, củ cải, bầu, bí.…Đây là loại thức ăn rất tốt cho trâu bò. Chúng có mùi thơm, vị ngon, gia súc thích ăn. Thức ăn củ quả có hàm lượng nước, chất bột đường và vitamin C cao. Hạn chế của chúng là nghèo protein và chất béo, không bảo quản và dự trữ lâu dài được.

    Do những đặc tính trên người ta thường dùng thức ăn củ quả để cải thiện những khẩu phần ít nước, nhiều xơ, nghèo chất bột đường (ví dụ khẩu phần nhiều rơm khô). Lượng thức ăn tủ quả trung bình mỗi ngày cho một con trâu bò khoảng 4 – 5kg.



    Phế phụ phẩm công nghiệp chế biến



    – Bã bia:

    Bã bia là loại thức ăn nhiều nước, có mùi thơm và vị ngon. Hàm lượng khoáng, vitamin (chủ yếu là vitamin nhóm B) và đặc biệt là hàm lượng đạm trong bã bia cao. Vì vây, nó có thể được coi là loại thức ăn bổ sung đạm và dược dùng rất rộng rãi trong chăn nuôi bò sữa. Tỷ lệ tiêu hoá các chất trong bã bia rất cao. Ngoài ra nó còn chứa các chất kích thích tính thèm ăn và làm tăng khả năng tiết sữa của bò nuôi trong điều kiện nhiệt đới.

    Thành phần và giá trị dinh dưỡng của bã bia phụ thuộc chủ yếu vào tỷ lệ nước của nó. Thời gian bảo quản cũng như nguồn gốc xuất xứ của bã bia cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Khi bảo quản lâu dài thì quá trình lên men sẽ làm mất đi một phần các chất dinh dưỡng, đồng thời làm cho độ chua của bã bia tăng lên. Chính vì vậy, trong thực tế, để kéo dài thời gian bảo quản bã bia, người ta thường cho thêm muối ăn với tỷ lệ 1%…

    Đối với bò sữa, lượng bã bia trong khẩu phần cần tính toán làm sao có thể thay thế không quá 1/2 lượng thức ăn tinh (cứ 4,5kg bã bia có giá trị tương đương với 1kg thức ăn tinh) và không nên cho ăn trên 15kg bã bia mỗi con, mỗi ngày. Bởi vì, cho ăn nhiều bã bia (ví dụ trên 25kg/con/ngày) sẽ làm giảm tỷ lệ tiêu hoá chất xơ, các chất chứa nitơ và kéo theo sự giảm chất lượng sữa. Tốt nhất là trộn bã bia và cho ăn cùng với thức ăn tinh, chia làm nhiều bữa trong một ngày.



    – Bã đậu nành:

    Bã đậu nành là phụ phẩm của quá trình chế biến hạt đậu nành thành đậu phụ hoặc thành sữa đậu nành. Nó có mùi thơm, vị ngọt, gia súc thích ăn. Hàm lượng chất béo và protein trong bã đậu nành rất cao. Chính vì vậy, nó có thể được coi là loại thức ăn cung cấp protein cho trâu bò và mỗi ngày có thể cho mỗi con ăn tù 10 đến 15kg.

    Cần lưu ý khi sử dụng bã đậu nành sống cùng lúc với một số loại thức ăn có chứa urê (như rơm ủ urê, bánh dinh dưỡng, thức ăn hỗn hợp….) là phải chia nhờ lượng thức ăn này ra thành nhiều bữa để bảo đảm an toàn cho trâu bò. Bởi vì trong bã đậu nành sống có chứa men phân giải urê, nếu cho ăn cùng lúc và với số lượng lớn hai loại thức ăn này thì urê bị phân giải nhanh chóng, tạo ra một khối lượng lớn khí amoniác và rất dễ gây ngộ độc cho trâu bò.



    – Bã sắn:

    Bã sắn là phế phụ phẩm của quá trình chế biến tinh bột sắn từ củ sắn. Bã sắn có đặc điểm là chứa nhiều tinh bột nhưng lại nghèo chất đạm. Do đó, khi sử dụng bã sắn nên trộn và cho ăn thêm urê hoặc bã đậu nành. Và nếu cho thêm bột sò, bột khoáng vào hỗn hợp thì chất lượng dinh dưỡng sẽ tốt và cân đối hơn. Hỗn hợp này có thể được sử dụng để thay thế một phần (có thể thay thế một nửa) lượng thức ăn tinh trong khẩu phần.

    Bã sắn tươi có vị hơi chua, trâu bò đều thích ăn. Vì vậy có thể cho trâu bò ăn tươi (mỗi ngày cho mỗi con ăn khoảng 10 – 15kg). Cũng có thể phơi, sấy khô bã sắn để làm nguyên liệu phối chế thức ăn hỗn hợp.



    – Rỉ mật đường:

    Rỉ mật đường là phụ phẩm của quá trình chế biến đường mía. Do chứa nhiều đường nên nó là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều nguyên tố đa lượng và vi lượng, rất cần thiết cho trâu bò. Rỉ mật đường có vị ngọt nên trâu bò thích ăn. Mỗi ngày chỉ nên cho mỗi con ăn 1 – 2kg rỉ mật đường. Không nên cho ăn nhiều (trên 2kg), vì rỉ mật đường nhuận tràng và có thể gây ỉa chảy.

    Nguồn: http://nhathuocthuy.vn/tan-dung-phu-pham-lam-thuc-an-cho-trau-bo-phan-2-T34d160v3954.htm

    ---------------
    Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Thú y (BiotechVET)
    Nhà máy sản xuất: Tdp Hoà Bình (Khu Dâu Tằm), phường Biên Giang, quận Hà Đông, TP. Hà Nội
    Điện thoại: 0973 903 952 - 0975 280 111
    E-mail: info.btv@dtk.com.vn
    Facebook: https://www.facebook.com/nhathuocthuy/
    Website: http://nhathuocthuy.vn/

Chia sẻ trang này