TTC đẩy người trồng mía vào con đường khó

Thảo luận trong 'Đặt quảng cáo DMEC' bắt đầu bởi Haianh13032020, 18/11/20.

  1. Trái ngược khó khăn của người trồng mía, trong khoảng hai năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã ồ ạt nhập khẩu đường dưới nhiều hình thức như nhập khẩu sản xuất xuất khẩu, nhập phục vụ cho sản xuất trong nước... Trước hiện tượng ồ ạt nhập khẩu đường, ngày 21-9-2020, Bộ trưởng Công thương đã ký Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái-lan. Nhưng quyết định liệu có mang lại kết quả như mong muốn khi các doanh nghiệp ngành mía đường và một số nhà sản xuất tiêu thụ đường lớn nhất trong nước chỉ “nhăm nhăm” nhập đường ?

    Kỳ 2: Chống bán phá giá và chống trợ cấp liệu có phải “đũa thần”?

    (Tiếp theo và hết)

    Cần kiểm soát chặt lượng đường nhập khẩu

    Theo Bộ Công thương, tám tháng năm 2020, lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, đạt gần 950 nghìn tấn, tăng hơn sáu lần so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái-lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, đạt gần 860 nghìn tấn (so cùng kỳ 2019 là 145 nghìn tấn và cả năm 2019 là 300 nghìn tấn).

    Theo đại diện ngành sản xuất trong nước, lượng nhập khẩu gia tăng đột biến là nguyên nhân chính gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước. Sản lượng đường trong nước niên vụ 2019 - 2020 ước tính 800 nghìn tấn, sụt giảm so 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019.

    Việc điều tra chống bán phá giá của Bộ Công thương là cần thiết nhằm bảo vệ ngành mía đường trong nước và nhất là người trồng mía. Nhưng chỉ với sự cố gắng của ngành công thương liệu thật sự hiệu quả? Trong khi do việc thiếu kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) trong nước có dấu hiệu lợi dụng chính sách nhập khẩu đường.

    Với số liệu lượng đường nhập khẩu mà Bộ Công thương đưa ra như trên, thì theo số liệu chúng tôi có được, chỉ tính riêng Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC - Biên Hòa, bao gồm các công ty thành viên), đã nhập khẩu hơn 559.226 tấn đường các loại (chiếm 2/3 tổng lượng đường nhập cả nước), chủ yếu từ các nước như Thái-lan, Singapore... Trong khi đó, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của TTC - Biên Hòa, vụ ép năm 2019 - 2020 đã thực hiện sản lượng mía ép được 1.838 nghìn tấn mía (tương đương khoảng 180 nghìn tấn đường) nhưng tổng sản lượng đường tiêu thụ lên đến 1.056 nghìn tấn đường, doanh thu đạt hơn 12.889 tỷ đồng. Với những con số này, thì có đến hơn 876 nghìn tấn đường bán ra không phải do TTC - Biên Hòa ép từ mía mà mua đường từ đơn vị khác hoặc nhập khẩu.

    Tương tự, theo kết quả hoạt động kinh doanh của TTC - Biên Hòa niên vụ 2018 - 2019, tổng doanh thu về mía đường đạt hơn 10.856 tỷ đồng, giá vốn là hơn 9.984 tỷ đồng. Với con số này TTC - Biên Hòa đã tiêu thụ khoảng gần 800 nghìn tấn đường. Nhưng thực tế, sản lượng đường các nhà máy của TTC - Biên Hòa cả niên vụ chỉ ép được khoảng hơn 234,2 nghìn tấn. Như vậy, có khoảng hơn 550 nghìn tấn đường được TTC - Biên Hòa mua ngoài hoặc nhập khẩu (cao hơn cả số lượng đường nhập khẩu mà Bộ Công thương công bố là 300 nghìn tấn). Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 8-5-2019 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam thì TTC - Biên Hòa và các đơn vị thành viên đã nhập khẩu 193.612 tấn đường thô.

    Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “TTC - Biên Hòa luôn là đơn vị nhập khẩu đường lớn nhất Việt Nam. DN này nhập khẩu đường với nhiều hình thức khác nhau, nhưng tập trung chính vào nhập khẩu đường về sản xuất hoặc nhập khẩu về sản xuất xuất khẩu”. Theo ông Lộc, cần phải kiểm soát chặt chẽ đường nhập khẩu thì ngành mía đường trong nước mới có thể tồn tại được. Thực tế, nhiều DN trong nước lợi dụng sự nhập nhèm của chính sách nhập khẩu nhằm sản xuất xuất khẩu để nhập đường. Trong đó, nếu DN nhập khẩu về sản xuất cho xuất khẩu thì thuế sẽ bằng 0, nhưng nếu không xuất khẩu, thuế có thể lên đến 85% giá trị hàng nhập khẩu.

    Vậy làm gì để kiểm soát được đường nhập khẩu theo hình thức nào và việc nhập đường về để sản xuất xuất khẩu là bao nhiêu? Theo số liệu chúng tôi có được, tám tháng năm 2020, TTC - Biên Hòa đã luôn xen kẽ các hình thức nhập khẩu và trong đó có cả loại hình nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Riêng tháng 6-2020, toàn bộ số đường mà DN này nhập khẩu đều theo hình thức sản xuất xuất khẩu. Trong khi đó, năm 2019 với số lượng đường TTC - Biên Hòa nhập khẩu lên đến hàng trăm nghìn tấn nhưng theo tìm hiểu, chúng tôi cũng chỉ thấy xuất khẩu được hơn 2.632 tấn dưới dạng đường nước syrup? Năm 2020, TTC - Biên Hòa đẩy mạnh xuất khẩu đường lỏng và đường syrup. Theo số liệu chúng tôi có được, trong bốn tháng đầu năm TTC - Biên Hòa đã xuất khẩu được khoảng 111.216 tấn, nhưng cùng thời gian này TTC - Biên Hòa đã kịp nhập khẩu hơn 356.593 tấn đường các loại.

    Nhà máy đường và người trồng mía nguy cơ thất bát trên sân nhà?

    [​IMG]

    Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công thương, có thể thấy được ngành mía đường trong nước đang bị lép vế bởi đường nhập khẩu. Cụ thể, niên vụ 2019 - 2020, trong nước chỉ sản xuất được 800 nghìn tấn, trong khi đó tám tháng năm 2020, đường nhập khẩu lên đến 950 nghìn tấn. Ngược lại, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước ngày một tăng và hiện tại trung bình một người dân Việt Nam sử dụng khoảng 17 kg đường/năm, tương đương nhu cầu trong nước khoảng hơn 1,7 triệu tấn/năm (tính dân số khoảng 100 triệu người). Sản lượng đường sản xuất trong nước ngày càng giảm, vậy thời gian tới liệu ngành mía đường trong nước có bị phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường thế giới?

    Thực tế, không chỉ nhiều DN sản xuất đường “bỏ rơi” người trồng mía để tập trung cho nhập khẩu đường mà ngay các DN sản xuất tiêu thụ đường lớn nhất trong nước cũng có xu hướng nhập khẩu đường với nhiều loại hình, kênh mua bán khác nhau. Trong đó, phải kể đến Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), một thương hiệu lớn hàng đầu trong nước và thế giới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa. Theo số liệu từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị đại diện nắm giữ 35% vốn nhà nước tại Vinamilk: “Nhu cầu phải cung ứng đường chiếm khoảng 13% giá trị sản xuất của Vinamilk. Do đó, cần phải chủ động về nguồn nguyên liệu cho sản xuất và là công cụ để cạnh tranh với các nhà sản xuất khác”. Tại Báo cáo thuyết minh tài chính riêng cho năm kết thúc ngày 31-12-2019 của Vinamilk thì tổng doanh thu đạt hơn 50.771 tỷ đồng, giá vốn hàng hóa là hơn 25.736 tỷ đồng và như vậy mỗi năm Vinamilk đã phải chi ra hơn 3.345 tỷ đồng để mua đường làm nguyên liệu sản xuất, tương đương hơn 250 nghìn tấn đường/năm. Như kết quả kinh doanh, đây chính là nguyên nhân để SCIC cùng các cổ đông lớn khác chấp thuận để Vinamilk đầu tư vốn vào Công ty CP Đường Khánh Hòa, sau đó đổi tên thành Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar). Ngày 1-11-2017, Vinamilk chính thức kiểm soát Vietsugar với số tiền đầu tư là 1.328,3 tỷ đồng, chiếm 65% cổ phần, công suất thiết kế 10 nghìn tấn mía/ngày, tinh luyện đường thô 1.500 tấn/ngày.

    Đến nay, sau ba năm Vinamilk chính thức đầu tư vào Vietsugar nhưng chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào để phát triển vùng nguyên liệu và có nguy cơ diện tích mía, sản lượng đường ngày càng giảm. Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía năm 2019 - 2020, Vietsugar ép được sản lượng đường 20.700 tấn đường (tương đương chỉ đáp ứng được khoảng 8,28% nhu cầu của Vinamilk); đồng thời sản lượng đường giảm dần, như vụ ép 2017 - 2018 đạt hơn 60 nghìn tấn; 2018 - 2019 đạt 41.933 tấn. Điều đáng băn khoăn là, mặc dù bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mua nhà máy đường nhưng vì sao Vinamilk vẫn chủ yếu sử dụng đường nguyên liệu từ nhập khẩu?

    Trong khi đó, diện tích vùng nguyên liệu mía của Vietsugar cũng đang giảm dần. Theo dự kiến, niên vụ 2020 - 2021 Vietsugar thực hiện ký hợp đồng thu mua mía trên diện tích hơn 4.866 ha (vụ trước là 7.570 ha) . Nói về vùng nguyên liệu mía của các nhà máy đường trên địa bàn, ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Vietsugar chủ yếu là ký hợp đồng thu mua, vận chuyển về nhà máy. Mối liên kết hỗ trợ vẫn chỉ bằng phương thức cũ, không có chính sách hỗ trợ mới để người dân phát triển cây mía. Do đó, ngay huyện Cam Lâm (nơi đặt nhà máy Vietsugar) cũng đang dần chuyển đổi sang các loại cây trồng khác”. Vụ mía 2019 - 2020 diện tích mía trên địa bàn huyện Cam Lâm chỉ còn 547 ha, sản lượng chiếm 7% mía nguyên liệu vụ ép của Vietsugar.

Chia sẻ trang này