Gừng vị cay tính ấm, tác dụng kháng viêm, trị cảm lạnh, làm ấm cơ thể từ bên trong, phòng các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Củ gừng là loại gia vị rất phổ biến trong ẩm thực, được dùng dưới dạng tươi, khô, bột hoặc nước ép. Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3) cho biết theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, tác dụng vào phế, tỳ, vị giúp chữa cảm lạnh, làm ấm dạ dày, dịu cơn ho, ngừng nôn ói, tiêu đàm, giải độc. Bộ phận dùng làm thuốc là phần củ gừng. Theo bác sĩ Vũ, chất cineol trong gừng có tác dụng kích thích tại chỗ, diệt khuẩn. Hợp chất gingerol trong gừng hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, phòng trị bệnh cúm và cảm lạnh thông thường. Do đặc tính cay nóng, ấm, gừng tươi ăn sẽ giãn các mao mạch, thúc đẩy quá trình tiết mồ hôi, làm ấm cơ thể từ bên trong. Khi ấy, tuần hoàn máu tốt hơn, cơ thể chống lại virus hợp bào hô hấp, phòng ngừa các bệnh liên quan đường hô hấp. Gừng qua chế biến sẽ biến đổi gingerol thành zingerone, ít hăng hơn, mùi thơm cay ngọt. Khi gừng được sấy khô hoặc làm nóng nhẹ, gingerol trải qua phản ứng mất nước tạo thành shogaols, có vị cay hăng gấp đôi gingerol. Điều này giải thích tại sao gừng khô hăng hơn gừng tươi. "Thành phần shogaol và gingerol trong gừng sấy khô được chứng minh tác dụng tăng cường nhu động ruột để di chuyển thức ăn dọc theo đường tiêu hóa. Zingerone ức chế các chuyển động co bóp tự phát và giảm nhu động ở đại tràng", bác sĩ Vũ chia sẻ. Theo bác sĩ Vũ, trong mùa lạnh người bệnh dễ bị lạnh bụng, khó tiêu, chân tay lạnh, mạch nhỏ, nhiều đờm, ho suyễn và thấp khớp. Trường hợp này, có thể dùng 4-20 g gừng khô, gừng sao dưới dạng thuốc sắc hoặc tán nhuyễn. Để chữa ho lâu ngày và ợ, dùng gừng sống giã lấy khoảng một thìa nước cốt trộn với một thìa mật ong đun nóng, chia ra uống dần từng ngụm nhỏ. Chúng ta sử dụng gừng làm gia vị thêm vào món ăn hàng ngày để kích thích tiêu hóa. Ngày lạnh dùng thêm một ít mứt gừng, trà gừng. Người bị đau lưng, đau vai gáy do lạnh, dùng rượu gừng làm thuốc xoa bóp, massage cơ để cơ bắp thả lỏng, hoặc chườm nóng vai gáy với gừng rang muối hột. Trường hợp đau xương khớp mùa lạn, nên ngâm chân, tay hoặc tắm với nước thảo dược có thành phần gừng tươi, hoặc gừng rang với muối hột chườm lên vùng đau. Bác sĩ Vũ lưu ý không nên sử dụng quá 5 g gừng mỗi ngày. Rửa sạch vỏ gừng trước khi ăn chứ không nên gọt bỏ vỏ vì vỏ gừng cũng có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Người chuẩn bị mổ hoặc mới mổ xong thì không dùng gừng. Không dùng cho người chảy máu cam, chảy máu răng, băng huyết, ho ra máu, người bị đổ mồ hôi nhiều, cảm nắng... Về mặt lý thuyết, gừng chống chỉ định với người có chảy máu tạng hoặc người đang uống các loại thuốc chống tiểu cầu hoặc warfarin. "Khi thoa gừng lên da nên sử dụng trước ở một diện tích nhỏ xem có bị kích ứng không, chỉ nên giữ gừng trên da trong một thời gian ngắn vì có thể gây bỏng rát với người có da nhạy cảm", bác sĩ khuyên.